Giỏ hàng

/
/
Thoái hóa đa khớp: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Thoái hóa đa khớp: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Thoái hóa đa khớp là tình trạng thoái hóa diễn ra ở hai khớp trở lên, thường ảnh hưởng đến các khớp như khớp gối, khớp háng và gây ra cơn đau nhức, suy giảm chức năng vận động và giảm khả năng hoạt động của người bệnh.

Thoái hóa đa khớp là tình trạng thoái hóa diễn ra ở hai khớp
Thoái hóa đa khớp là tình trạng thoái hóa diễn ra ở hai khớp

Thoái hóa đa khớp là gì?

Thoái hóa đa khớp (tên tiếng anh là Polyarthritis) đây là tình trạng có tối thiểu 5 khớp bị tổn thương thoái hóa cùng lúc. Hiện tượng này thường xảy ra ở các khớp có tần suất hoạt động thường xuyên như ở vùng cổ, thắt lưng, gối, bàn tay, cổ tay, bàn chân… Lúc này, các khớp bị đau, cứng và có thể ảnh hưởng đến chuyển động, sinh hoạt hàng ngày.

Nguyên nhân thoái hóa đa khớp

Quá trình lão hóa tự nhiên là nguyên nhân chủ yếu gây thoái hóa đa khớp. Khi tuổi tác tăng lên, chức năng tổng hợp các chất để tạo nên các thành phần của chất nền sụn khớp giảm dần. Vì vậy, chất lượng sụn và khả năng đàn hồi giảm đi, cuối cùng dẫn tới thoái hóa khớp. Bệnh thường gặp ở người trên 65 tuổi, lao động nặng. Tuy nhiên, thoái hóa đa khớp cũng có thể xuất hiện ở người trẻ tuổi do thói quen sinh hoạt, vận động thiếu lành mạnh.

Bên cạnh đó, bệnh cũng có thể xảy ra do các nguyên nhân như: (1)

  • Bất thường cấu trúc xương bẩm sinh: cơ thể có thể di chuyển nhịp nhàng là nhờ vào cấu tạo chặt chẽ và hoàn chỉnh của các khớp. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, cấu trúc xương có thể bị sai lệch do bẩm sinh, làm cho các đầu xương và sụn va chạm vào nhau nhiều và mạnh trong quá trình di chuyển. Theo thời gian, tình trạng này khiến cho mô sụn bị bào mòn và dẫn đến thoái hóa các khớp.
  • Di truyền: Bạn có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người khác nếu trong gia đình có những người thân như bố mẹ, anh chị em bị thoái hóa khớp.
  • Chấn thương: Tai nạn lao động, tai nạn giao thông, chấn thương thể thao… có thể là nguyên nhân khiến khớp hư hại và tổn thương nặng nề. Nếu không điều trị dứt điểm, vị trí tổn thương có thể tiến triển và thoái hóa dần theo thời gian.
  • Đặc điểm nghề nghiệp: Một số công việc phải mang vác nặng có thể thường xuyên gây áp lực lớn lên các khớp, làm khớp bị chèn ép và dẫn đến thoái hóa.
  • Thừa cân, béo phì: Khi bị thừa cân, trọng lượng cơ thể dư thừa sẽ làm tăng áp lực lên các khớp, nhất là khớp gối và vùng cột sống,… Theo thời gian, các khớp này có thể bị hư hại, thoái hóa và biến dạng.
  • Lười vận động: Làm cho sụn khớp mất đi độ linh hoạt, tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Giới tính: Phụ nữ có thể có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới do thói quen mang giày cao gót và sự suy giảm nồng độ estrogen trong giai đoạn tiền mãn kinh/mãn kinh.
  • Bệnh lý: Những người mắc bệnh đái tháo đường, xơ vữa động mạch hoặc các bệnh lý khớp viêm như gout, viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp… thường có nguy cơ thoái hóa đa khớp cao hơn những đối tượng khác. Nguyên nhân là do những bệnh lý trên làm giảm hệ miễn dịch, tăng quá trình viêm mạn và thúc đẩy quá trình tổn thương sụn khớp và do đó, thoái khớp đa khớp có thể diễn ra nhanh hơn.

Triệu chứng cảnh báo bệnh thoái hóa đa khớp

Trong giai đoạn đầu, bệnh lý thoái hóa đa khớp thường không có biểu hiện rõ rệt. Cho đến khi mức độ tổn thương ở sụn khớp nghiêm trọng hơn, người bệnh sẽ gặp phải một số triệu chứng như: (2)

  • Đau và cứng khớp: Cơn đau tăng lên khi vận động, giảm dần khi nghỉ ngơi. Đây chính là triệu chứng đặc trưng của bệnh thoái hóa khớp. Các khớp có xu hướng cứng nhiều vào buổi sáng sau khi ngủ dậy với thời gian cứng khớp thường kéo dài dưới 30 phút, tình trạng cứng khớp giảm dần sau khi người bệnh vận động các khớp.
  • Khớp kêu lục cục: Khi sụn khớp bị bào mòn, các đầu xương va vào nhau trong quá trình người bệnh di chuyển, làm phát ra âm thanh lục cục từ trong khớp.
  • Giảm phạm vi chuyển động: Phạm vi và cường độ hoạt động của khớp giảm đáng kể. Do đó, nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh bị suy giảm khả năng vận động và có thể dẫn đến teo cơ.
  • Sưng, nóng khớp: Khi sụn, xương bị tổn thương hoặc thoái hóa khớp giai đoạn trễ có thể gia tăng tình trạng viêm, dẫn đến tụ dịch khớp và gây ra sưng nóng khớp.

Phân loại và phân độ thoái hóa đa khớp

Tùy thuộc vào nguyên nhân và thời gian bệnh, có thể chia thành các loại thoái hóa đa khớp như:

  • Thoái hóa đa khớp có phản ứng viêm: Với biểu hiện đặc trưng là đau các khớp kèm theo tình trạng sưng, nóng, đỏ các khớp.
  • Thoái hóa đa khớp không có phản ứng viêm: Tình trạng đau các khớp nhưng không sưng nóng khớp.
  • Thoái hóa đa khớp cấp tính: Là những trường hợp có thể kiểm soát tốt các triệu chứng trong chưa đầy 6 tuần.
  • Thoái hóa đa khớp mạn tính: Chỉ những trường hợp mắc bệnh kéo dài hơn 6 tuần.

Phân độ thoái hóa khớp: tuỳ thuộc mức độ tổn thương sụn khớp, hẹp khe khớp, các cấu trúc gai xương, tình trạng biến dạng khớp, các bác sĩ sẽ đánh giá và phân độ thoái hoá khớp từ độ 1 đến độ 4. Trong đó, độ 1 là mức độ thoái hóa nhẹ và độ 4 là mức độ nặng nhất.

Các vị trí dễ bị thoái hóa đa khớp

Thoái hóa đa khớp có thể gặp ở bất kỳ khớp nào trên cơ thể, trong đó, thường gặp ở các vị trí chịu lực của cơ thể như:

  • Khớp gối
  • Khớp háng
  • Vùng cột sống: cột sống thắt lưng, cột sống cổ
  • Các khớp ở cổ – bàn tay
  • Khớp cổ chân…

Chẩn đoán thoái hóa đa khớp như thế nào?

  • Khám lâm sàng: Khai thác tiền sử bệnh, đánh giá các triệu chứng và mức độ đau của khớp, kiểm tra tầm vận động, tình trạng biến dạng khớp, phản ứng viêm tại khớp.
  • Hình ảnh học: Chụp X-quang cho thấy những bất thường ở khớp như xơ xương dưới sụn, hẹp khe khớp, gai xương, đây là phương tiện đầu tay giúp hỗ trợ trong chẩn đoán bệnh. Ngoài ra, người bệnh có thể được yêu cầu chụp cộng hưởng từ MRI để nhìn rõ hơn về một số cấu trúc đặc biệt trong khớp như mô mềm, tổn thương sụn hay dây chằng và giúp đánh giá tính chất dịch khớp. Chụp MRI được chỉ định trong trường hợp nghi ngờ thoái hóa khớp kèm theo một số vấn đề khác như nhiễm khuẩn, viêm xương, viêm màng hoạt dịch, rách sụn, rách dây chằng bên trong khớp…
  • Xét nghiệm máu, dịch khớp để phân biệt thoái hóa đa khớp với một số bệnh lý khác như viêm khớp dạng thấp, gout, viêm khớp nhiễm trùng…

Các cách điều trị thoái hóa đa khớp

1. Phương pháp điều trị nội khoa

Phương pháp này hướng đến mục tiêu giảm đau và cải thiện các triệu chứng đi kèm. Những thuốc giảm đau và chống viêm đường uống là các loại thuốc thường được sử dụng trong điều trị nội khoa. Ngoài ra, người bệnh bị thoái hoá đa khớp sẽ được khuyên dùng một số loại thuốc chống thoái hoá có tác dụng hỗ trợ và làm chậm quá trình mòn sụn khớp, tăng kích thích tạo chất nhờn cho khớp như glucosamine sulfate, piascledine, diacerein…

Ngoài các thuốc điều trị đường uống, một số liệu phát điều trị tiêm tại chỗ có thể hỗ trợ điều trị thoái hóa khớp. Tiêm thuốc chống viêm vào khớp giúp hỗ trợ điều trị các trường khớp thoái hoá khớp có phản ứng viêm mạnh gây sưng nóng đau khớp nhiều. Tiêm chất nhờn vào khớp có thể giúp giảm lạo xạo khớp, giảm đau khớp và cải thiện vận động ở một số khớp bị thoái hoá.

2. Vật lý trị liệu

Phương pháp này có vai trò hỗ trợ giảm đau và cải thiện chức năng vận động của khớp. Vật lý trị liệu được đánh giá là có độ an toàn cao, tác dụng lâu dài, tuy nhiên, hiệu quả thường xuất hiện chậm, đòi hỏi sự kiên trì của người bệnh. (3)

Các phương pháp vật lý trị liệu có thể bao gồm:

  • Những bài tập kéo giãn: Tăng phạm vi chuyển động và sức mạnh cho các cơ gần khớp bị ảnh hưởng.
  • Các bài tập sức mạnh giúp tăng cường sức mạnh của các cơ quanh khớp.
  • Xoa bóp: Tác động lên vùng xung quanh khớp bị tổn thương để kích thích tuần hoàn máu và thúc đẩy quá trình phục hồi mô sụn.
  • Thủy/nhiệt/điện trị liệu: Có tác dụng cải thiện cơn đau, giảm viêm và sưng nóng ở khớp.

3. Phẫu thuật

Phẫu thuật là phương pháp điều trị cuối cùng, được chỉ định trong những trường hợp nặng khi các phương pháp điều trị bảo tồn không hiệu quả. Tùy vào mức độ và vị trí khớp tổn thương, bác sĩ có thể chỉ định những phương pháp phẫu thuật khác nhau như: phẫu thuật thay khớp, chỉnh hình cấu trúc xương…

4. Y học cổ truyền trong điều trị thoái hóa đa khớp

Phương pháp trị liệu theo y học cổ truyền phổ biến là châm cứu bấm huyệt. Thông qua sự tác động lên các huyệt vị của cơ thể, phương pháp này giúp giảm đau và cải thiện chức năng vận động của người bệnh.

Lối sống và chế độ dinh dưỡng hỗ trợ điều trị thoái hóa đa khớp

  • Dinh dưỡng hợp lý: Người bệnh nên tăng cường chất xơ, vitamin và khoáng chất từ các nguồn thực phẩm tự nhiên. Một chế độ dinh dưỡng cân đối có thể giúp hỗ trợ cải thiện một phần tình trạng viêm và giảm triệu chứng của thoái hóa đa khớp.
  • Tập thể dục thường xuyên rất quan trọng để duy trì sự linh hoạt, sức mạnh và sự ổn định của các khớp. Vận động thường xuyên kết hợp với dinh dưỡng hợp lý còn giúp giữ cho trọng lượng cơ thể ở mức lành mạnh, tránh tình trạng tăng cân quá mức làm tăng áp lực lên các khớp.
  • Nghỉ ngơi đầy đủ: Giúp giảm căng thẳng, từ đó hỗ trợ cải thiện triệu chứng bệnh hiệu quả.

Một số lưu ý về bệnh thoái hóa đa khớp

Người bệnh cần đến bác sĩ ngay khi nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào ở khớp, đặc biệt là khi tình trạng đau nhiều, kéo dài, gây giới hạn vận động. Tuỳ thuộc vào vị trí bị thoái hoá khớp mà sẽ có các phương pháp điều trị, tập luyện khác nhau. Ngoài ra, trong một số trường khớp, bác sĩ phải đánh giá thêm bị những bệnh lý khác kèm theo trên bệnh nhân như viêm khớp dạng thấp, gút, nhiễm trùng…

Những câu hỏi thường gặp về thoái hóa đa khớp

1. Thoái hóa đa khớp có thể chữa khỏi hoàn toàn không?

Không thể chữa khỏi hoàn toàn vì thoái hóa đa khớp là một phần của quá trình lão hóa tự nhiên. Các phương pháp điều trị chỉ có tác dụng ngăn bệnh tiến triển nặng và giảm triệu chứng.

2. Làm thế nào để phòng ngừa thoái hóa đa khớp?

Có thể giảm nguy cơ mắc bệnh thoái hóa đa khớp bằng cách: tập luyện thể dục thể thao điều độ, dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý, tránh tăng cân, trách các tư thế và động tác xấu trên khớp, tránh chấn thương…

3. Thoái hóa khớp có thể gây ra những biến chứng gì?

Một số biến chứng có thể gặp phải của thoái hóa đa khớp như:

  • Biến dạng khớp: Nếu không được điều trị kịp thời, theo thời gian, bệnh có thể dẫn đến biến dạng cấu trúc khớp như phình khớp, hình thành gai xương, biến dạng bề mặt khớp, lệch trục khớp…
  • Hạn chế chức năng: Khả năng di chuyển và mức độ linh hoạt của khớp bị suy giảm, gây khó khăn cho các sinh hoạt hàng ngày như đi bộ, leo cầu thang…
  • Khuyết tật: Trong những trường hợp nặng nề, thoái hóa đa khớp có thể gây khuyết tật và hoạt động của khớp bị hạn chế vĩnh viễn.

Nguồn tham khảo

  • Wikipedia contributors. (2024, July 20). Polyarthritis. Wikipedia. https://en.wikipedia.org/wiki/Polyarthritis
  • Polyarthritis. (2024, October 7). Cleveland Clinic. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/24433-polyarthritis
  • Germany, D. V. F. G. H. (n.d.). Viêm đa khớp | Tìm bác sĩ & thông tin. https://www.leading-medicine-guide.com/en/illness/muscles-bones/polyarthrosis

Bài viết liên quan

10 giải pháp giảm nguy cơ mắc viêm xương khớp
Viêm xương khớp là bệnh khớp xuất hiện khi các mô trong khớp bị phá vỡ theo thời gian. Đây là dạng viêm khớp thường gặp và phổ biến nhất ở người lớn tuổi....
Tác dụng của cây móng quỷ
Cây móng quỷ là một loại thảo dược có nguồn gốc từ Nam Phi, đã được ứng dụng trong điều trị các bệnh xương khớp. Tuy nhiên việc sử dụng cây móng quỷ cần...
Thoái hóa đa khớp: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Thoái hóa đa khớp là tình trạng thoái hóa diễn ra ở hai khớp trở lên, thường ảnh hưởng đến các khớp như khớp gối, khớp háng và gây ra cơn đau nhức, suy...

Đăng ký tư vấn từ chuyên gia

OMNIARCH Healthcare Việt Nam

Cùng bạn xây dựng sự nghiệp

Vui lòng điền đầy đủ thông tin vào biểu mẫu dưới đây.

Vị trí mong muốn ứng tuyển
Tải lên CV/Portfolio của bạn
Dung lượng tệp tối đa: 8 MB
Chỉ chấp nhận các định dạng: jpg, png, pdf, docx
Lựa chọn kênh mua hàng Online
Lên đầu trang