Các triệu chứng của thoái hóa khớp thường tiến triển theo thời gian, trở nặng khi thời tiết thay đổi nhất là vào mùa đông. Do đó người bệnh không nên chủ quan với các dấu hiệu nhận biết của thoái hóa khớp.
Theo bài đăng trên website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, thoái hóa khớp là một bệnh lý mãn tính ảnh hưởng đến sụn và các mô xung quanh khớp bằng cách gây tổn thương các bộ phận này. Sụn khớp là một lớp đệm bao phủ bề mặt xương, có vai trò quan trọng trong quá trình bảo vệ và giảm ma sát trong khớp. Khi sụn khớp hoặc đĩa đệm bị thoái hóa và suy yếu, tình trạng này dẫn đến các triệu chứng viêm và giảm lượng dịch nhầy trong khớp dẫn tới đau và cứng ở các khớp khi cử động.
Dấu hiệu nhận biết thoái hóa khớp
- Đau khớp là triệu chứng nhận biết thoái hóa khớp sớm nhất. Ban đầu, những cơn đau do thoái hóa khớp sẽ xuất hiện khi các khớp phải chịu sức nặng hoặc khi vận động, sau đó cơn đau sẽ giảm dần khi nghỉ ngơi. Tuy nhiên, sau một thời gian những cơn đau khớp sẽ xuất hiện thường xuyện hơn và đau nhức ngay cả khi hoạt động lẫn nghỉ ngơi, nhất là khi thời tiết chuyển mùa hoặc vào mùa đông.
- Cứng khớp kèm theo những cơn đau âm ỉ thường xuất hiện vào sáng sớm, khi vừa ngủ dậy khiến người bệnh gặp khó khăn trong cử động hoặc không thể cử động. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, cứng khớp sẽ trở nên nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến khả năng vận động cũng như cuộc sống của người bệnh.
- Nghe thấy tiếng kêu ở khớp: Do tình trạng mòn của các mô sụn ở đầu khớp và thiếu dịch nhầy, người bệnh không chỉ cảm thấy đau nhức dữ dội mà còn nghe thấy tiếng kêu lộc cộc, lạo xạo khi hai đầu khớp va chạm vào nhau, đặc biệt là khi vận động mạnh.
- Về lâu dài, tình trạng thoái hóa khớp sẽ gây đau nhức, sưng tấy và làm biến dạng các khớp. Các cơ xung quanh khớp bị tổn thương và không hoạt động trong thời gian dài dẫn đến teo cơ.
Những vị trí thoái hóa khớp thường gặp
Các vị trí thoái hóa khớp thường gặp bao gồm vai, gối, háng, cột sống lưng và cổ. Trong đó:
- Thoái hóa khớp gối là dạng phổ biến nhất, xảy ra khi lớp sụn bảo vệ khớp gối bị bào mòn hoặc tiêu biến. Khi lớp sụn mất đi, phần xương ở đầu khớp chà xát vào nhau, gây viêm và đau, đồng thời làm giảm khả năng vận động. Ngoài ra, các gai xương hình thành tại khớp gối có thể dẫn đến bệnh gai khớp, làm tình trạng thoái hóa nặng hơn.
- Thoái hóa khớp cổ tay và bàn tay: tình trạng này thường gặp ở người cao tuổi, do lượng máu nuôi dưỡng các khớp ở bàn tay và cổ tay không đủ. Sự thiếu hụt dinh dưỡng khiến sụn suy yếu, làm giảm khả năng chịu lực trước các tác động liên tục và hoạt động hàng ngày của khớp.
- Thoái hóa khớp cổ chân là bệnh lý thường gặp ở người trung niên, cao tuổi và những người phải sử dụng cổ chân thường xuyên như vận động viên. Thoái hóa khớp cổ chân tiến triển chậm và triệu chứng ban đầu thường không rõ ràng. Nếu không điều trị sớm, bệnh sẽ gây đau, giảm linh hoạt và cản trở vận động, đặc biệt khi vận động mạnh hoặc sử dụng cổ chân quá mức
- Thoái hóa đốt sống cổ: Bệnh gây đau dữ dội và có thể kèm theo ngứa, tê tại các khu vực liên quan, do gai xương kích thích dây thần kinh vùng cột sống cổ.
- Thoái hóa khớp vùng chậu: Bệnh thường gây đau vùng hông và thắt lưng, kèm theo cảm giác tê chân khi ngồi lâu. Viêm và sưng tại khớp xương cụt (nằm dưới cột sống thắt lưng) cũng là triệu chứng điển hình của thoái hóa khớp cùng chậu. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến một hoặc cả hai khớp cùng chậu.
- Thoái hóa khớp háng: Ở giai đoạn đầu, triệu chứng thường không rõ ràng, cơn đau có thể xuất hiện ở nhiều vị trí như đùi, đầu gối, mông và háng. Mức độ đau có thể thay đổi từ âm ỉ đến đau nhói dữ dội.
Thoái hóa khớp có khả năng dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng tới cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của bệnh nhân. Do đó khi có những dấu hiệu như trên bạn nên thăm khám bác sĩ và điều trị kịp thời tránh để bệnh trở nặng, phát sinh các biến chứng khác.
Tham khảo:
– https://www.vinmec.com/vie/bai-viet/dac-diem-cua-dau-do-thoai-hoa-khop-vi
– https://medlatec.vn/tin-tuc/nhung-trieu-chung-canh-bao-thoai-hoa-khop-va-phuong-phap-dieu-tri-benh-s68-n20123